Tháng vừa qua, tôi quá bận vì có nhiều việc, không có thời gian vẽ các schematic lay out. Nhân tiện, tôi đang nhận sửa một tube amp, thấy chất lượng khá tốt và đơn giản dễ ráp, nên chụp hình toàn bộ cho các bạn tham khảo.
Tube amp tôi giới thiệu sau là của hãng Dynaco, model Dynakit Mark III, chassis kích thước rất gọn (230 x 230 x 50mm). Vì là hàng kit (hãng cung cấp linh kiện, vật tư, người mua tự ráp) nên rất thích hợp với các bạn mới vào nghề, muốn DIY.
Schematic:
Như các bạn thấy, schema này khá đơn giản, PP class AB có hồi tiếp. Sau đây tôi hướng dẫn cho các bạn 1 số thủ thuật lắp ráp:
& Biến thế nguồn và xuất âm công suất tương đương (lớn hơn càng tốt) với bài trước, có vài thay đổi.
Cuộn cao thế gồm 2 cuộn, mỗi cuộn 350VAC. Nếu không có ngã ra cho điện thế âm, có thể lấy thẳng từ 1 bên của cuộn 350V bằng diode 1N4007, nhưng phải tăng điện trở 1K lên 47K, biến trở 50K, làm sao khi chỉnh biến trở sẽ có số volt âm dao động từ -30VDC -> -55VDC. Nhớ tụ lọc volt âm phải trên 500VDC, nếu không có phải dùng 2 tụ 350V đấu nối tiếp, tụ thứ 2 ở giữa biến trở chỉ cần 100V là đủ.
Có thể không dùng đèn chỉnh lưu GZ 34 (5AR4), thay thế bằng 2 x 3 diod 1N4007 đấu nối tiếp, đầu ra điện thế + chụm lại, nối thẳng vào tụ lọc B1. Như thế cuộn 5V đốt tim đèn cũng bỏ luôn.
Cuộn dây đốt tim 6V3, nếu không có chấu giữa CT, thì chọn 1 trong 2 đầu hàn xuống mass. Có thể thì tăng cường độ cuộn này lên trên 10Amps, sau nay sẽ cấp điện cho đèn của thiết bị pre-amp, không cần thêm biến thế nữa.
Tụ lọc nguồn của schema này điện thế khá cao, khó kiếm loại trên 525VDC, Bạn phải dùng 2 tụ trên 60mF/350V đấu nối tiếp, nhớ hàn song song mỗi tụ 1 điện trở 220K/1W để làm cầu cân bằng điện thế.
Nếu chưa kiếm được cuộn choke lọc nhiễu, có thể tạm thay thế bằng điện trở 1K/5W, khi nào có sẽ thay sau. Nhưng phải lấy điện thế cấp cho CT OPT ở B1 trước cuộn choke.
Biến thế xuất âm OPT, nếu không có loại sơ cấp 5 pin vào, có thê dùng loại 3 pin. Khi đó bạn nối 2 pin số 4 của đèn công suất lại bằng 2 điện trở 470Ω/3W, chấu giữa đi vào tụ nguồn B2.
& Tất cả các linh kiện và đèn pre-amp đều nằm trên 1 board bakelite. Bạn có thể vẽ bằng tay board này bằng bút dạ trên 1 miếng bakelite tráng đồng kích thước 85 x 110mm, rồi dùng dung dịch hóa chất khử đồng sẽ ra board hoàn chỉnh. Trước khi gắn linh kiện, bạn nhớ tráng lên những mạch đồng một lớp dầy bằng thiếc hàn để tăng cường độ mạch dẫn.
Những dấu chữ thập trong vòng tròn của schematic là những điểm cắt của board pre-amp nối với phần còn lại có đánh số, rất dễ nhận.
& Tất cả các dây dẫn điện, bạn phải xoắn vào nhau khi đi dây, nhớ cắt dây cho ngắn nhất, không để dây thừa. Không để 2 dây song song, nếu vượt qua thì phải uốn dây sao cho vượt thẳng góc. Dưới đây là hình chụp cách đi dây của schema trên, thay cho schema layout. Bạn có thể làm chassis lớn hơn 1 chút cho dễ sắp linh kiện, nhưng phải tôn trọng vị trí sắp xếp, sai là có chuyện ngay.
& Sau khi ráp xong, bạn cắm đèn GZ34, nối nguồn điện, bật switch on. Mắc đồng hồ đo thang > 600VDC kiểm tra những nguồn B+. Sau đó bạn chỉnh volt âm, sao cho dao động khoảng từ 45 -> 50V là bạn có thể an tâm tắt Sw off, cắm đèn công suất và pre-amp vào, bật Sw là ampli của bạn đã sẵn sàng hoạt động, Nhớ nối loa vào trước khi bật Sw nhé. Trường hợp xảy ra nghe ở loa có tiếng rít là bạn đã bị sai nguồn hồi tiếp. Bạn tắt máy ngay, tráo đổi 2 sợi dây nối từ OPT ra 2 chân 3 (anode) của đèn công suất cho ngược lại, xong bật SW lại là hết pan.
Mọi thắc mắc về kỹ thuật khác, chưa thể viết ra trong bài này, xin mời bạn vào Forum, post những yêu cầu, thắc mắc của bạn, tôi sẽ trả lời ngay, Tôi sẽ không trả lời e-mail riêng cho những vấn đề về kỹ thuật.
& Schema trên có thể xử dụng đèn KT88/6550, 6CA7/EL34, 6L6GC/5881, các cực của chân đèn cắm giống như nhau, không phải thay đổi mạch. Loại đầu KT88 công suất mạnh nhất, nhưng loại cuối 6L6 tiếng trong và mềm nhất, EL34 đứng giữa. Tùy theo loa và loại nhạc bạn thích nghe, bạn chọn loại đèn nào thích hợp nhất cho riêng bạn. Chúc các bạn thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét